Thursday, May 11, 2006

ĐÔI ĐIỀU VỀ “THÁNH TRUYỀN” VÀ “HUẤN QUYỀN HỘI THÁNH”

Khi nói đến Công giáo La Mã, không thể không nhắc đến ba yếu tố chính, có thể xem đó như ba cột trụ chống đỡ cho ngôi nhà giáo hội khỏi bị sụp đổ suốt 17 thể kỷ, kể từ ngày Constantine khai sinh ra nó. Ba cột trụ đó chính là: Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền Hội Thánh. Nền thần học Công giáo hiện đại cũng phải xoay quanh ba cột trụ ấy mà hình thành.
Thánh Kinh thì ai cũng biết, (mặc dù có thể người ta không đọc, hoặc chỉ nghe linh mục đọc trong các buổi lễ, nhưng ít nhất cũng được nghe nhắc đến nhiều lần), Nhưng “Thánh Truyền" là gì? Chưa chắc ai cũng biết! kể cả những tín đồ được xem là thuần thành…
Bài viết này không nhằm phân tích, nghiên cứu về “Thánh Truyền”, nhưng thông qua đó, nêu lên những nhận định của người viết về mối quan hệ giữa “Thánh Truyền” và “Huấn Quyền Hội Thánh”. Từ đó khẳng định Thánh Kinh chỉ là phương tiện thứ yếu, chỉ dùng để minh họa cho Thánh Truyền, và chính Thánh Truyền khi đã được sàng lọc, thi hành bởi Huấn Quyền mới là yếu tố quyết định sự tồn tại của giáo hội Công giáo La Mã.
Thuật ngữ “Thánh Truyền” thực ra chỉ mới được dùng về sau này, và thịnh hành nhất kể từ công đồng Tridentino (1545-1563). Khởi nguyên “Thánh Truyền” chỉ được hiểu là “truyền thống các tông đồ”, nghĩa là truyền thống về niềm tin của những người trực tiếp theo Giêsu (12 tông đồ và một số người khác như Phaolô, Luca v.v…) Tất nhiên lúc đó chưa có kinh Tân Ước, mà chỉ có kinh thánh Do Thái giáo, và bản thân của những người này cũng chỉ là những tín đồ Do Thái giáo. Họ chỉ khác với những tín đồ Do Thái giáo khác một chút ở chỗ họ mến mộ Giêsu và chọn Giêsu là thầy của họ. Vì thế, sau khi Giêsu qua đời, họ thường tụ họp nhau lại để tưởng nhớ vị thầy của mình, và bao giờ những cuộc tụ họp như vậy cũng có một chút “liên hoan trà bánh”.
Sử gia Plinus (khoảng 62-113) viết: “Họ giải tán, rồi nhóm họp để dùng thực phẩm, những thực phẩm bình thường vô hại…” Sách Công vụ Tông Đồ cũng viết: “Họ thường đến cầu nguyện ở đền thờ (Do Thái giáo) lúc về nhà họ tụ họp lại bẻ bánh, họ ăn uống đơn sơ vui vẻ” (Cv 2: 46).
Thực ra “bẻ bánh” là một phong tục lâu đời thuộc truyền thống văn hóa Do Thái. Người Do Thái thường thực hiện nghi thức “bẻ bánh” trong các lễ hội dân gian, như lễ hội Vượt Qua … Bản thân Giêsu cũng đã ảnh hưởng tập tục này. Trước đêm bị bắt, Giêsu cũng đã “liên hoan” với các đệ tử theo kiểu “uống máu ăn thề” bằng bánh và rượu… Chính cái thói quen “bẻ bánh” này của các nhóm Kitô nguyên thủy (Kitô nguyên thủy chỉ là cưỡng gọi nhóm người có cảm tình với Giêsu chứ không thể xem đó là một tôn giáo) về sau này đựơc các nhà hộ giáo ở Rôma nâng cấp lên thành “bí tích”, gọi là “bí tích thánh thể”. Một ví dụ khác là “bí tích rửa tội”. Thánh tẩy cũng là một phong tục lâu đời thuộc truyền thống văn hóa Do Thái. Giêsu cũng đã chịu phép thánh tẩy với Gioan trên sông Giôđan, nhưng bản thân của Giêsu chưa hề rửa tội cho ai. Trong bốn phúc âm, ta thấy chỉ có Mátthêu và Máccô nói tới “rửa tội”, Gioan và Luca tuyệt nhiên không nhắc đến. Về sau này chính Phaolô cũng khẳng định: “Christ không sai tôi đi rửa tội, mà rao giảng tin mừng” (1Cr 1: 17). Từ đây cho thấy, cái gọi là “bí tích thánh thể”, “bí tích rửa tội” chỉ là sản phẩm của giáo hội Rôma, dựa vào truyền thống văn hóa dân gian Do Thái, chuyển hóa thành “truyền thống đức tin”. Khởi đầu “truyền thống các tông đồ” chỉ là truyền khẩu, không văn tự, là sự trao truyền từ người này sang người kia, thế hệ này sang thế hệ khác. Về sau, sự truyền khẩu được ghi chép bởi các giáo phụ, họ thêu dệt, thêm thắt những sự kiện mới như: Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ Đồng Trinh v.v… Tất cả những ghi chép của họ đều không có căn bản kinh thánh, nhưng được họ giải thích là “linh hứng Chúa Thánh Thần” và được giáo hội Rôma thừa nhận, gọi là Thánh Truyền truyền khẩu và Thánh Truyền thành văn.
Để những ghi chép có màu sắc thần bí nhằm thuyết phục quần chúng, các tác giả đã hoang tưởng về những mặc khải được thánh linh soi sáng hướng dẫn để họ viết … Sách Công Vụ Tông Đồ là một ví dụ, các tác giả thường viết những câu đại loại như: “Thánh Thần và chúng tôi thấy rằng…”. Vì thế, giới thần học ngày nay gọi đây là “Kỷ nguyên Thánh Thần”… Tóm lại, cái gọi là “mặc khải” chỉ là ảo tưởng. “Thị kiến” về Thiên Chúa không gì khác hơn là những giấc mơ, ảo giác, tự kỷ ám thị… Nói chung, những ghi chép trong Kinh Thánh được gọi là sự “mạc khải nguyên thủy” hay “mạc khải trực thụ”. Những tín đồ ngày nay không cần tìm hiểu, chỉ nhắm mắt tin vào sự giảng giải của giáo hội (huấn quyền) về những gì viết trong Thánh Kinh, được gọi là “mặc khải gián thụ”. Nghĩa là tin một cách thụ động. Đây chính là cơ sở để “Thánh Truyền” có đất dụng võ...
Trước khi bàn thêm về vấn đề “Thánh Truyền”, chúng ta hãy đọc lại một nhận định rất đắt giá của Charlie Nguyễn trong tác phẩm “Công giáo trên bờ vực thẳm – Phần II – Sách kinh Công giáo và tác hại của nó”. Tác giả đã đưa ra ba nguyên nhân nhằm lưu ý các tác giả phi Kitô giáo khi viết về Công giáo La Mã. Trong đó, ở nguyên nhân thứ 3, tác giả đã viết như sau: “Có một điều quý vị trí thức ngoại giáo không thể ngờ tới: Đó là sự uyển chuyển linh động và co dãn như cao su của đức tin Công giáo…”. “…Phần đông chúng ta đều nghĩ rằng đức tin là những điều căn bản cố định và không một ai có tư cách để sửa đổi. Trong thực tế không phải vậy! Kitô giáo nói chung và Công giáo La Mã nói riêng có khả năng đáng kinh ngạc trong việc tự điều chỉnh và canh tân đức tin của mình, đó là khả năng đặc biệt giúp Kitô giáo vượt thắng mọi đợt tấn công để tiếp tục tồn tại và phát triển như ngày nay.”
Không có gì phải nghi ngờ về nhận xét trên, vì đó là nhận xét của một người trong cuộc. Thật vậy, Vatican có một khả năng tuyệt vời, thiên biến vạn hóa trong việc huấn luyện các tín đồ của mình. “Thánh Truyền” chính là phương tiện tối ưu mà Công giáo La Mã đã sử dụng để bổ sung những khiếm khuyết của Thánh Kinh, đồng thời để hợp lý hóa những tín điều cho phù hợp với từng thời điểm lịch sử.
Sách Giáo lý Công giáo mới nhất hiện nay được Vatican Imprimatur 16/7/1997 định nghĩa:
“Được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, cách lưu truyền sống động này được gọi là Thánh Truyền” (GLCG 78)
“Hội Thánh, được ủy thác nhiệm vụ lưu truyền và giải thích Mặc Khải, không chỉ nhờ Thánh Kinh mà biết cách xác thực tất cả những điều mặc khải, chính vì thế, cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình yêu mến và kính trọng như nhau"( GLCG 82).
“Chúng ta phải phân biệt "Truyền Thống" các tông đồ với các "truyền thống" thuộc diện thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc sùng kính đã phát sinh theo thời gian trong các giáo đoàn địa phương. Những truyền thống này tạo nên những hình thức đặc thù, qua đó, Thánh Truyền thu nhận những lối diễn tả thích nghi cho những nơi khác nhau và những thời kỳ khác nhau. Chính trong ánh sáng truyền thống các tông đồ, mà các truyền thống này được giữ lại, sửa đổi hay bị loại bỏ, theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền Hội Thánh.” (GLCG 1202).
Vatican đã tự cho mình một đặc quyền gọi là: “Huấn Quyền Hội Thánh” để giải thích, sửa đổi, hoặc loại bỏ những giáo lý, tín điều, sao cho có lợi nhất trong việc bảo vệ đức tin Công giáo. Chính vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi Vatican có thể thích nghi với việc giải thích các tín điều lạc hậu, phản khoa học, bằng cách dựa trên cái mà họ gọi là “Thánh Truyền”. Những tín điều giáo hội đưa ra khi bị các học giả phê phán là: “không có căn bản từ Thánh Kinh” cũng không sao! Vì đã có “Thánh Truyền”…
Hệ thống kinh điển Kitô giáo nói chung, bao gồm hai mảng.
· Một là: kinh thánh Do thái giáo mà các hệ phái Kitô giáo cầm nhầm gọi là Cựu Ước, Tất nhiên những kinh sách của Do Thái giáo không có lợi cho Kitô giáo bị loại ra và bị gọi là “ngụy thư” (apocrypha) như : Sách Enoch, Hoan hỷ (Jubilees), và Esdra IV… Ngoài ra, Thệ Phản giáo Tin Lành còn liệt kê thêm vài ngụy thư nữa là: sách Tobia, Macabê 1-2, sách Khôn ngoan (của Salômôn), Giáo huấn (Sirach, Ecclesiasticus) và sách Barúc (kể cả thơ của tiên tri Giêrêmia) một phần của các sách Esther và Daniel…
· Hai là: các kinh sách viết sau thời Giêsu gọi là Tân Ước, bao gồm bốn Phúc Âm, và một số sách khác như Khải Huyền, Công Vụ, Thánh Thư… Phúc Âm được biết đến như là những ghi chép trực tiếp về hoạt động của Giêsu, nhưng thực ra chúng chỉ được viết lại ít nhất là sau 40-100 năm kể từ ngày Giêsu qua đời. Một vài sách gọi là “phúc âm” được viết vào thời kỳ này cũng bị xem là ngụy thư, dù tác giả của những bộ sách này là những người đồng thời với Giêsu như Phêrô, Tôma, Giacôbê … Phúc âm của Phêrô là tập sách mô tả về sự kiện Giêsu đã bị bắt và hành hình như thế nào. Phúc âm Giacôbê viết về thời thơ ấu của Giêsu. Phúc âm của Tôma được phát hiện cuối thập niên 40, tại vùng Nag Hammadi (hoặc Chenoboskion) Ai cập cùng với một số phúc âm khác của phái Ngộ Đạo.. Người ta không khỏi thắc mắc vì sao Phêrô, Tôma, Giacôbê là những người cùng thời với Giêsu, là môn đệ, ăn ở, sinh hoạt chung với thầy mình trong nhiều năm, mà những ghi chép của họ lại bị xem là ngụy thư, nhiều sai lầm, không được công nhận. Trong khi đó, Luca, Máccô lại là những người chưa hề biết mặt Giêsu, thì những ghi chép của họ lại được thừa nhận là “thánh kinh”. Điều này dễ hiểu vì những ghi chép của Phêrô, Tôma, Giacôbê có rất nhiều mâu thuẫn so với giáo lý Rôma, không phục vụ cho lợi ích của giáo hội Rôma. Ngược lại, bốn phúc âm mà giáo hội Rôma thừa nhận đã được chỉnh lý lại, đáp ứng được các yêu cầu của Rôma…
Giáo hội luôn khẳng định chính Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt và bảo vệ các tác giả viết Kinh Thánh khỏi những sai lầm. Trong thực tế, Thánh kinh lại mắc rất nhiều sai lầm về lịch sử và khoa học. Vatican thấy rất rõ điều đó, nhưng họ đã cố tình lấp liếm ngụy biện bằng lập luận: Dù Chúa Thánh Thần linh hứng cho các tác giả Thánh kinh không thể sai lầm khi trình bày những vấn đề thuộc lĩnh vực “cứu độ”. Điều này không có nghĩa là Thánh Thần bảo vệ các tác giả viết Kinh Thánh khỏi những sai lầm về lịch sử và khoa học. Thiên Chúa không bao giờ có ý định linh hứng cho họ để viết sách khoa học và lịch sử. Vì thế, Kinh Thánh không thể không có những sai lầm khoa học và lịch sử?!…
Vài ví dụ sau đây cho thấy giáo hội Công giáo Lamã đã vận dụng “Thánh Truyền” để giải quyết những vấn nạn tín lý vốn không có căn bản Kinh Thánh, nhưng vẫn cố trích dẫn vài đoạn Kinh Thánh với ngụ ý bóng gió, vu vơ, để chứng minh thuyết “ngục tổ tông” và “luyện ngục là do chính Thánh Kinh mặc khải: "Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đương đi với người ấy tới cửa công, kẻo ngươi ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại trao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng."(Mt 5:25,26). Họ đã suy diễn như sau: "Ra khỏi đó" tức là ra khỏi luyện ngục khi linh hồn đã đền tội xong!?… Lẽ tất nhiên giáo hội chỉ đánh lừa được những con chiên khờ khạo. Giới nghiên cứu Kitô giáo nói chung, Công giáo La Mã nói riêng, đều đồng thuận thuyết “luyện ngục” chỉ là mánh lới kinh doanh ơn toàn xá của giáo hội. Chính Giáo hoàng Lêô X (1531-1521) đã ra lệnh bán đại xá cho những ai nộp tiền vào ngân qũy giáo hội. Họ kinh doanh ân xá có văn tự hẳn hỏi. Johann Tetzel (1465-1519) thuộc dòng Đa Minh đã quảng cáo “giấy ân xá” cho các linh hồn nơi luyện ngục một cách trắng trợn : “Khi tiền reo nơi đáy thùng thì linh hồn cũng được bay thẳng về thiên đàng!” Cuộc kinh doanh “mại thánh” đã mang về cho giáo hội Rôma món lợi nhuận khổng lồ, đồng thời cũng để lại một vết nhơ không bao giờ tẩy sạch…
Công đồng Lyon (1245-1247), Công đồng Florence (1438-1445), Trentô (1545-1563) khóa 6, số 22, 25 công bố : "Ai dám quả quyết sau khi được ơn thánh sủng, tội lỗi được tha và hình phạt đời đời được xóa bỏ cho các hối nhân, và không có hình phạt tạm bởi tội ở đời này cũng như trong luyện ngục trước khi cửa thiên đàng được mở, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông". Thuyết về “luyện ngục” thực tế không có căn bản từ Kinh Thánh, vì thế giáo hội Rôma phải viện đến “Thánh Truyền”, tức cái mà họ gọi là “truyền thống của các giáo phụ” được Chúa Thánh Thần linh hứng, trao truyền… Công đồng Trentô khóa 25 ngày 4/12/1563 công bố tiếp : "Giáo hội Công giáo được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, theo các văn kiện và truyền thống xa xưa các Giáo phụ…” Cũng trong công đồng này dạy rằng: "Có luyện ngục, và các linh hồn bị thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là bởi công nghiệp Thánh lễ Misa". Luyện ngục đã không có căn bản từ Kinh thánh, nhưng giáo hội hù dọa nếu ai không tin sẽ “phạt vạ tuyệt thông”. Đằng khác, các linh hồn đang thanh tẩy nơi luyện ngục, muốn sớm được về thiên đàng, thân nhân của họ phải trông cậy vào “công nghiệp thánh lễ Misa”, bằng cách mua ơn đại xá càng nhiều càng tốt. “Thánh Truyền” đã phát huy tác dụng khi nó vừa giúp Vatican giải quyết vấn đề tín lý, vừa giúp kinh doanh “mại thánh” hiệu quả!
Kitô giáo bao gồm nhiều hệ phái, nhưng tại VN chỉ tồn tại hai giáo phái: Tin Lành và Công giáo. Cả hai giáo phái này đều dạy tín đồ có thiên đường, hỏa ngục… Riêng Công giáo La Mã lại thêm “luyện ngục”, nơi “tạm giam” các linh hồn. Tín đồ Thệ Phản giáo kịch liệt phản đối “luyện ngục”. Theo giáo lý Công giáo thì khi chết, con người chỉ có 3 con đường để đi: một là thiên đường, hai là hỏa ngục, ba là vào luyện ngục… Thực ra cái gọi là “luyện ngục” chỉ mới được giáo hội “chế tạo” ra sau này. Khởi nguyên chỉ có thiên đường và hỏa ngục. Thiên đường là nơi “vui vẻ đời đời chẳng cùng”. Ngược lại, hỏa ngục là nơi “sẽ bị đẩy vào lửa đời đời” (Mt 25: 41), “vào chốn tối tăm, nơi khóc lóc nghiến răng"(LG 48).
Vậy hỏa ngục ở đâu? Theo Augustinô, Bêđa, Bellarminô thì hỏa ngục và luyện ngục đều ở trong lòng đất! Điều này ngày nay đã trở nên quá ấu trĩ, lạc hậu, không còn thuyết phục được ai. Nhưng vì không thể loại bỏ hỏa ngục được, nên Vatican cố làm cho hình ảnh hỏa ngục bớt ghê rợn, và lấp liếm chuyện phản khoa học “trong lòng đất”, bằng cách giải thích hỏa ngục là một “trạng thái” hơn là “nơi chốn”. Hoả ngục chính là “trạng thái đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa!?” Và cũng vì thế mà chuyện hỏa ngục ở Fatima chỉ là chuyện bố láo… Tương tự, thiên đàng cũng được họ giải thích là một “trạng thái tràn đầy ân sủng Chúa”. Lẽ tất nhiên, đối với chúng ta, Chúa chỉ là một giả định. Nhưng với đại đa số tín đồ, họ hình dung chúa của họ là một thanh niên Do Thái, 33 tuổi, râu quai nón, cằm chẻ, ngực để lộ quả tim rướm máu!… Nói với họ “Chúa” chỉ là một giả định để họ tin quả là một chuyện khó!… Vatican là một bậc thầy về chuyện tráo trở, Đức tin Công giáo về tín điều “thiên đường, hỏa ngục” từ bao đời nay vẫn hiểu là có “nơi chốn” rõ ràng, nay “huấn quyền hội thánh” úm ba la một phát biến thành “trạng thái”. Từ đó, ta hiểu vì sao Giáo hoàng Gioan Phaolô II dám mạnh miệng tuyên bố: “Làm gì có thiên đàng trên các tầng mây!..” Nhưng cũng từ chuyện này, chúng ta mới thấy được tài giáo huấn (huấn quyền) của Vatican. Họ giải thích hiện tượng ở Fatima, Đức Mẹ đã cho 3 trẻ thấy hỏa ngục là những mặc khải riêng tư, cá nhân giáo hội không buộc tín đồ phải tin, vì chúng không thuộc giáo lý căn bản đức tin. Nhưng không phủ nhận và khuyến khích tín đồ nên tìm hiểu bằng cách sùng kính Đức Mẹ để được những ân sủng đặc biệt như ba trẻ ở Fatima!?…
Nhân đây cũng xin nói thêm về những mặc khải thuộc loại riêng tư, cá nhân rất tiếu lâm của bà Brigitta, người Thụy Điển (1305-1375), chết ngày 23-7-1375 tại Lamã, được giáo hội “phong thánh”, đã tạo nên phong trào “sùng kính cách riêng thánh nữ Brigitta” trên khắp thế giới, gọi là: “Thông điệp của Chúa Cứu Thế mặc khải cho thánh Brigitta”. Nhiều người đọc “thông điệp của Chúa” phải cười bò lăn bò càng vì tính chất tiếu lâm của nó:
“Hỡi các chị em của ta, hãy biết rằng ta đã nhỏ ra cho các chị em 72.200 giọt nước mắt, và 97.300 giọt máu, trong lúc ta hấp hối nơi vườn ô liu, ta đã nhận 1667 roi đòn trên mình thánh của ta, những kẻ man rợ được tha hồ hành hạ ta. Từ 24 giờ đến 15 giờ , 107 đòn ở cổ, 380 đòn trên lưng, 43 đòn trên ngực, 85 đòn trên đầu, 38 đòn bên cạnh sườn, 62 đòn trên vai, 40 đòn trên cánh tay, 32 đòn tên đùi và bắp vế, chúng đánh vào miệng ta 30 lần. Chúng nhổ nước miếng vào gương mặt qúy báu của ta 32 lần. Người ta đã lấy chân mà đá ta như một kẻ phản loạn 370 lần, người ta đã xô đẩy và làm ta ngã xuống đất 13 lần, đã nắm tóc và lôi kéo ta 30 lần. Khi đội mão gai đầu ta đã bị chọc thủng 303 lỗ. Ta rên rĩ và thở dài cho anh chị em được ơn cứu độ và ơn hối cải 900 lần. Ta đã chịu những sự hành hạ có thể làm ta chết đi đuợc 162 lần, chịu đựng những nỗi lo lắng đến cùng độ như thể ta đã chết rồi 19 lần. Từ nơi xử án đến núi sọ ta vác thánh giá mà bước đi 1.321 bước, để bù lại tất cả những việc đó, ta chỉ nhận được một cử chỉ bác ái của thánh Verônica, đã lấy khăn tay mà lau mặt ta, chiếc khăn đã in dấu thánh nhan đẫm máu qúy báu của ta. Trong khi vác thánh giá, ta có một vết thương sâu bằng 3 ngón tay, và 3 xương bị lòi tên bả vai, vết thương này loài người không ai biết đến đã gây cho ta khổ não và đau đớn hơn tất cả các vết thương khác….”
Chúng ta có thể cười thỏa thích vì tính chất tiếu lâm của những loại mặc khải như trên, nhưng chúng ta cũng phải khâm phục cái gọi là “huấn quyền hội thánh”. Họ không phủ nhận, cố tình thả nổi. Dù không bắt buộc phải tin, nhưng khuyến khích tìm hiểu, thực hành lời dạy của thánh Brigitta: “Những ai đọc thông điệp Chìa Khóa Thiên Đàng này trong 40 ngày liên tiếp, sẽ được ta ban cho năm ơn của cuộc tử nạn của ta: ơn toàn xá và ơn tha thứ các tội lỗi của họ. Ta sẽ miễn cho họ khỏi hình phạt trong luyện ngục. Nếu họ chết trước thời gian đã ấn định, thì ta sẽ cũng ban ơn như thể họ đã đọc kinh này đầy đủ kịp thời. Là ta coi họ như thánh tử đạo đã đổ máu vì đức tin. Là ta sẽ từ trời xuống thế để đón các linh hồn của thân nhân họ đang bị đọa đày trong luyện ngục cho tới bốn đời và ta cho các linh hồn ấy hưởng vinh quang nơi thiên đàng…”
Thâm ý của Vatican là để cho tín đồ tìm hiểu, thực hành tự kỷ ám thị, những điều vô lý dần dần trở thành có lý. Và dù không bắt buộc tin, nhưng chẳng tín đồ nào lại không tin! Và lâu dần điều này hiển nhiên trở thành “Thánh Truyền” nhờ vào tài giáo huấn của giáo hội mà không cần đến một tí ti căn bản Thánh Kinh nào cả! Vì thế, không lạ gì với những loại “mặc khải” như trên lại được Giáo hoàng Piô IX Imprimatur. Và mới đây Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành tông thư Motu Proprio công bố thánh Brigitta là quan thầy của châu Âu!
Đến đây, chúng ta mới hiểu lời khuyên của Charlie Nguyễn dành cho các tác giả ngoài Kitô giáo là vô cùng có lý: “ Khi viết sách báo chống Công giáo, qúy vị thường quá chú trọng đến những điều sai trái trong Thánh Kinh như thuyết tạo dựng (Creation) hay thuyết Cứu Rỗi (Salvation), và qúy vị chủ quan tin rằng qúy vị đã nắm chắc phần thắng trong việc tấn công những điều sai trái này, qúy vị cứ tưởng rằng cứ tấn công vào những điều căn bản đó thì đạo Công giáo sẽ sụp đổ. Nhưng thưa qúy vị, đây thực sự là một ảo tưởng! Bởi lẽ, dưới sự lãnh đạo vô cùng xảo quyệt của Vatican, các cha cố đã có sẵn trong tay vô số những lập luận lương lẹo để giải thích cho giáo dân. Hầu hết giáo dân có trình độ hiểu biết thấp kém, nên khi nghe cha cố giải thích đều thấy xuôi tai, không thắc mắc gì thêm và vẫn tiếp tục sùng đạo như xưa…” (Công giáo trên bờ vực thẳm – giaodiem.com)
Thánh Kinh thực sự chỉ là vật trang trí. “Thánh Truyền” và “Huấn Quyền Hội Thánh” mới thực sự là hai yếu tố quyết định sự tồn tại của Vatican. Với quyền giáo huấn của hội thánh, Thánh Truyền dần dần thay hình đổi dạng. Từ ban đầu chỉ là “truyền thống đức tin của các tông đồ”, đến nay đã trở thành những mệnh lệnh phát ra từ Vatican. Cứ nhìn vào sách giáo lý mới nhất hiện nay của Vatican sẽ thấy. Đoạn 1202 viết : ““Chúng ta phải phân biệt "Truyền Thống" các tông đồ với các "truyền thống" thuộc diện thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc sùng kính đã phát sinh theo thời gian trong các giáo đoàn địa phương. Những truyền thống này tạo nên những hình thức đặc thù, qua đó, Thánh Truyền thu nhận những lối diễn tả thích nghi cho những nơi khác nhau và những thời kỳ khác nhau. Chính trong ánh sáng truyền thống các tông đồ, mà các truyền thống này được giữ lại, sửa đổi hay bị loại bỏ, theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền Hội Thánh.” (GLCG 1202).
“Tuyền thống các tông đồ” thực sự không có gì để nói. Nhưng truyền thống thuộc diện thần học, kỷ luật, phụng vụ qủa là “chuyện dài nhiều tập”. “Huấn Quyền Hội Thánh” mặc sức mà “giữ lại, sửa đổi hay loại bỏ” sao cho có lợi nhất, bất chấp sự thật lịch sử và khoa học…
Từ công đồng Tridentino (1545-1563) đến nay. Thánh Truyền và Huấn Quyền đã trở thành những thứ vũ khí lợi hại, giúp giáo hội chống đỡ hiệu quả nhiều mũi giáp công của trí thức tiến bộ toàn thế giới. Điển hình là vụ án diệt chủng Do Thái…
Về vấn nạn: Ai đã giết Giêsu? Dân Do Thái hay đế quốc La Mã? Mười bảy thế kỷ qua, Công giáo La Mã luôn khẳng định dân Do Thái bị “chúc dữ” vì họ đã phạm tội “giết Chúa”. Tông huấn của Giáo hoàng Gregory XIII (1581) đẵ khẳng định điều này : “Tội ác của dân Do Thái trong việc chối Chúa và đóng đinh Chúa Giêsu chỉ càng ngày càng ăn sâu vào các thế hệ kế tiếp, do đó dân Do Thái phải bị nô lệ muôn đời.” Đối với giáo triều Rôma, Do Thái là cái đinh cần phải nhổ. Người Do Thái luôn là nạn nhân số một của chủ nghĩa bá đạo Vatican, nhưng với sự phản kháng mạnh mẽ của thế giới tiến bộ ngày nay, đã không cho phép Vatican tự do tung hoành bá đạo. Vì thế, Vatican bắt đầu đổi giọng. Giáo hoàng Gioan XXIII đã sửa đổi lời cầu nguyện cho người Do Thái ngày thứ sáu tuần thánh. Thay vào câu: “hãy cầu nguyện cho người Do Thái bất trung”, được đổi lại khi cầu nguyện cho người Do Thái: “đã đựơc Chúa mặc khải đầu tiên, để họ mạnh tiến trong tình yêu mến Danh Thánh Ngài và trung thành với giao ước”. (Phụng vụ thứ sáu tuần thánh). Trước những dư luận về tội ác diệt chủng dân tộc Do Thái, buộc Công đồng Vatican II phải tuyên bố: "Dầu rằng các thủ lãnh Do Thái và bộ hạ, đã xúi dục giết Chúa Kitô, nhưng những điều xúc phạm đến Chúa trong cuộc tử nạn không thể qui tội một cách chung cho cả dân tộc Do Thái thời ấy cũng như thời nay. Và vì Giáo Hội là dân tộc mới của Thiên Chúa thì không nên hình dung dân Do Thái là một dân tộc bi kết án và bị Chúa chúc dữ, như một dữ kiện phát xuất từ Thánh Kinh" (Tuyên ngôn về dân Do Thái, số 4).
Luận điểm kết án dân Do Thái tội “giết Chúa” đã bị phá sản. Ngày nay Vatican dạy tín đồ: Chúa đến là để “bị giết” cho chúng ta đựơc sống!? Kẻ nào tội lỗi chính là kẻ đã “giết Chúa”. Đúng là lưỡi của Vatican không xương!
Để việc dựa trên Thánh truyền, ban bố những tín điều có hiệu lực tuyệt đối, mà không cần đến căn bản Thánh kinh, Giáo hoàng Piô IX đã “sáng tác” ra tín điều “Vô ngộ”. Theo đó, khi Giáo hoàng sử dụng quyền giáo huấn tối thượng “ex cathedra” của mình, ban hành những tín điều mới như: Đức Mẹ Đồng Trinh, Vô Nhiễm Nguyên Tội v.v… thì những tín điều đó tuyệt đối đúng?!… Tóm lại: Thánh kinh chỉ là món trang sức, dùng để minh họa cho Thánh truyền, Ví dụ: để thuyết minh cho tham vọng bành trướng của nhà nước Vatican trên khắp thế giới, biến giáo hội Rôma thành “giáo hội hoàn vũ”, họ đã dùng câu “anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19), mà bất chấp ý của Matthêu muốn nói vào thời điểm đó, ngoài 12 môn đệ của Giêsu ra, “muôn dân” chỉ là những người Do Thái còn lại chưa biết Giêsu là ai. Hoặc để biện minh cho tội lỗi của mình, Giáo hội đã dùng câu: “con cái thế gian khôn ngoan hơn con cái sự sáng”(Lc 16:8) nhằm đỗ tội cho một số “con cái thế gian” chứ giáo hội là “Nhiệm thể Chúa Kitô” không thể sai lầm trong mọi trường hợp….
Mệnh lệnh phát ra từ Vatican phải được xem là “thánh chỉ”. Tại quảng trường Phêrô ngày 22/10/1878, Giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi : “Các con đừng sợ…” và thế là Lm Trần Qúy Thiện đã “can đảm, không sợ hãi” nhận lãnh “Trách nhiệm lịch sử của tôn giáo trước hiện tình đất nước Việt Nam”. Dù tín đồ Công giáo luôn tự nguyện làm tôi mọi cho nước Vatican, luôn tìm cách đặt quyền lợi của nước Vatican lên trên quyền lợi của tổ quốc VN, luôn lấy phương châm hành động “thà mất nước chứ không thể mất chúa”, nói chung, họ không đủ tư cách bàn quốc sự VN, thế mà cũng cố lao đầu vào đấu tranh ì xèo, nhận định hiện tình đất nước linh tinh, để “chu toàn trách nhiệm lịch sử” của mình, đòi tự do tôn giáo, đòi thay đổi lịch sử, mà chẳng cần biết mình đang đấu tranh cho bá quyền Vatican được quyền tự do tung hoành bá đạo (xem bài : Trách nhiệm lịch sử của tôn giáo. Trình bày trong ĐHTDTG ngày 27/10/02 tại Wesminster, California trên thongluan.org). Lm Phan Văn Lợi lại thích thú với “kỹ thuật đếm chữ”. Ông đã đếm xem Giáo hoàng Gioan Phaolô II dùng bao nhiêu từ “can đảm” trong huấn dụ của Giáo hoàng gởi Hội đồng Giám mục VN dịp Ad limina 2002, rồi nhận định: “ Tắt một lời, Đức Thánh Cha vừa khen ngợi, vừa khuyến khích mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam hãy có nhân đức cần thiết, quan trọng trong thời điểm hiện tại là can đảm hay dũng cảm…” đấu tranh với CS đòi lại đất, tài sản để “cung hiến” cho ngoại bang Vatican. Thật tội nghiệp cho linh mục phải “chấp nhận trả giá và lãnh chịu thiệt thòi, phải hi sinh cơ cấu nếu cần để bảo toàn sứ mệnh” hầu hoàn thành nhiệm vụ “cõng rắn cắn gà nhà”. (Xem bài: “Lòng can đảm, ý lực xuyên suốt Huấn dụ của Đức Giáo Hoàng. Lm Phan Văn Lợi. tudotgvn.org)
Giáo hội Công giáo La Mã ngày nay dạy rằng: "Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền, là sự an bài rất khôn ngoan của Thiên Chúa, liên kết và phối hiệp với nhau đến nổi không một thực thể nào một trong ba có thể đứng vững một mình được. Dưới tác động của một Thánh Thần duy nhất, cả ba cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu độ các linh hồn, mỗi thứ theo phương cách riêng của mình" (GLCG 95). Theo đó, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền như ba cột trụ chống đỡ ngôi nhà giáo hội trụ vững…. Nhưng xét kỹ, chúng ta thấy Vatican rất coi thường Thánh Kinh, dù họ luôn miệng bảo rằng: Thánh Kinh là nguồn mặc khải trực tiếp từ Thiên Chúa, nhưng thực tế họ chỉ sử dụng Thánh Kinh như là phương tiện để từ đó ban bố những tín điều mà họ cho rằng không thể sai lầm nhờ sự soi sáng, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần?! Chúa Thánh Thần là biểu tượng của sức mạnh và là sự khôn ngoan. Trong nhiều trường hợp, Vatican đã “bắt” Chúa Thánh Thần phải “khôn ngoan” đến mức “tinh quái”. Dù “khôn ngoan tinh quái” nhưng Chúa Thánh Thần vẫn bị Vatican đánh lừa, xỏ mũi… Chúa Thánh Thần luôn sẵn có trong túi Vatican, khi cần móc ra xài ngay! Tóm lại: Không chỉ là “Nhiệm thể Đức Kitô”, Vatican còn tự coi mình là “hiền thê” của Chúa (tục ngữ VN có câu: vợ là trời, vợ nói chồng phải nghe…). Có lẽ vì thế mà Giáo hội (vợ) tha hồ nói nhăng nói cuội đều được chồng (chúa) nghe tất!
“Thánh Truyền” được Giáo hội ngụy biện là “linh hứng của Chúa Thánh Thần”. “Huấn Quyền” lại là một đặc quyền của giáo hội. Vì thế tín đồ chỉ phục tùng, miễn bàn cải… Thánh Kinh không còn mấy tác dụng, chính “Thánh Truyền” và “Huấn Quyền”, được phát ra từ các công đồng, cụ thể hóa bằng các văn kiện như: Hiến chế, Sắc lệnh, Sắc chỉ, Tư sắc, Tuyên ngôn, Thông điệp, Tông huấn v.v… uyển chuyển, linh hoạt, thích nghi với từng thời điểm lịch sử, mới có thể giữ được cho Vatican tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Trở về - http://ntrlich.blogspot.com